Một trong những bước ngoặc lớn nhất trong đời mình chính là chạm đến Human Design, bước vô trong bộ môn này, không chỉ học, mà còn thực hành, chiêm nghiệm và quan sát chính mình từng chút một, mỗi ngày.
Một trong những điều vỡ òa đầu tiên của mình khi chạm đến triết lý của Human Design đó là khái niệm “Trí thông minh cơ thể” và “Trực giác cơ thể”. Xin phép dài dòng một chút để làm rõ đoạn này, mình xuất thân là một Huấn luyện viên dạy nhảy, hoạt động điều khiển, lắng nghe, kiểm soát cơ thể là một trong những thứ mình theo đuổi suốt hơn 10 năm. Mình biết cơ thể rất vi diệu, rất hay ho và có cực kì nhiều ngôn ngữ cơ thể mà chúng ta thường hay bỏ qua, và mình biết, cơ thể luôn luôn, không ngừng nghỉ giao tiếp với chúng ta và nói cho ta biết điều ta thực sự muốn.
Đến khi bước vào Human Design, ghép lại tất cả, mình nhận ra cơ thể chứa đựng vô số những câu trả lời mà ta muốn biết về bản thân, về thế giới xung quanh và về từng quyết định nhỏ lớn trong đời. Cơ thể chính là trực giác, là trung tâm nhận thức mạnh mẽ, rõ ràng và dứt khoát về tất thảy những thứ mà chúng ta thực sự cần, muốn; là cỗ máy dẫn dắt giúp tâm trí trải nghiệm chuyến du ngoạn thực tế ảo trên Trái Đất một cách rõ ràng và thú vị hơn; là nơi giúp chúng ta đưa ra những quyết định Đúng với bản thân mình, và Đúng là mình nhất.
Và rõ ràng, đó là điều mà tất cả những bài tập thực hành về nhận biết giác quan, nhận biết hơi thở, kết nối với bản thân, chánh niệm trong từng phút giây hướng đến – Giúp chúng ta nhận biết và liên tục giao tiếp, kết nối với cơ thể – chứ không phải là Tâm trí.
Ai trong chúng ta cũng đều từng cảm thấy nặng nề, khó chịu, đau bụng, khó thở, đau đầu, đau vai, đau dạ dày hay những cảm giác rợn người, nổi da gà trong một tình huống nào đó, trước một người nào đó, khi ở trong một không gian nào đó. Có bao giờ bạn tự hỏi tất cả những cảm giác cơ thể đó đang cố gắng nói với bạn điều gì? Khi giao tiếp với đủ nhiều người và tiếp cận khái niệm “Thẩm quyền bên trong” của mỗi người trong Human Design, mình nhận ra, trực giác của mỗi chúng ta hoạt động rất khác nhau, và vô cùng đặc biệt. Thế nên mình tin rằng, ai trong chúng ta cũng có những tiếng nói bên trong liên tục nhỏ to nhắc nhở ta trên hành trình sống, chỉ là đôi khi, đa phần, tiếng nói đó bị át đi bởi tiếng nói đến từ tâm trí, nó quá mạnh mẽ, quá quyết liệt đến mức ai trong chúng ta cũng tưởng rằng tâm trí mới chính là chủ nhân của chúng ta, là nơi có thể đưa ra mọi quyết định đáng tin cậy trong cuộc sống. Nếu tâm trí mạnh mẽ và đáng tin như thế, tại sao ta cần học cách làm dịu đi tiếng nói đó thông qua các hoạt động thực hành tâm linh, tại sao tiếng ồn tâm trí là một trong những thứ phiền nhiễu nhất mà ai cũng muốn tắt đi, hoặc chí ít, không để nó dẫn dắt ta đi đến những quyết định không mong muốn nữa?
Suốt thời gian thực hành sống là chính mình, với thiết kế của riêng mình, mình nhận ra, khám phá ra rất nhiều sự thật về bản thân và về thế giới xung quanh mỗi ngày, thông qua việc quan sát bản thân và năng lượng của chính mình khi tương tác với thế giới và những người xung quanh. Mình biết rằng mình nên tôn trọng sự khác biệt, tính độc đáo và quy trình ra quyết định dựa trên trực giác của riêng mỗi người. Mình cũng thương bản thân nhiều hơn, tỉnh táo hơn trước những lần suýt say Yes vì không muốn người khác phải buồn, không muốn phải tranh cãi hay đối diện với những nỗi sợ cố hữu. Rất nhiều lần chúng ta ra quyết định trong khi đang bị áp lực, đang quá hưng phấn, quá chán nản, hoặc chỉ đơn giản là do đã suy nghĩ quá nhiều rồi sau đó hối hận đúng không nè?
Mình giao tiếp với cơ thể nhiều hơn, lắng nghe nó kĩ hơn, bộc lộ nó nhiều hơn với thế giới bên ngoài và cảm nhận cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm cũng như đón nhận những điều kỳ diệu xảy đến khi mình thực sự dám sống là chính mình, chọn lắng nghe bản thân cũng như cho phép mình được khác biệt, theo cách của riêng mình. Và mình nhận ra, thế giới không có đúng và sai, nó có thể đúng với mình và hoàn toàn sai với người khác, điều quan trọng là bạn chọn về phe nào? Chọn sống trọn cho bản thân hay khép mình lại chờ đợi sự phán quyết từ người khác. Đó là lựa chọn 🙂
Mách nhỏ một khám phá của mình nữa nè, mình nhận ra những kiến thức từ Human Design là để thực hành, không phải để tích lũy và gom góp, thế nên nếu ai nói với bạn rằng họ đã master Human Design và dùng kiến thức đó để bảo bạn phải làm điều này điều nọ, hay giúp bạn đưa ra quyết định như này như kia thì đều cần cân nhắc thật kỹ nhé! Rất có thể họ chưa từng thực hành sống đúng với bản thân và thực sự lắng nghe trực giác bên trong đâu.
Human Design (HD) is a self-awareness tool that helps you understand your energy (social, personal and work-related), how your emotions work and the appropriate way for you to make decisions based on your true nature and integrity — who you genuinely are, without roles or masks to fit into.