Làm điều mình thích: Đúng hay sai?
Tuần qua, mình gặp hai bạn trẻ khác nhau nhưng cùng đặt một câu hỏi khiến mình trăn trở mãi: “Em chỉ muốn biết làm những điều mình thích là đúng hay sai?” Một câu hỏi tưởng đơn giản nhưng lại chứa đựng trong đó cả một nỗi hoang mang, một sự sợ hãi, và một khoảng cách rất xa giữa con người và chính trái tim mình.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi hành động dường như đều phải quy về hiệu quả, mục tiêu, kết quả cụ thể và có thể đo lường. Một sở thích nếu không mang lại tiền bạc, không “có ích” ngay lập tức, thì dễ bị xem là phù phiếm, lãng phí thời gian. Đáng buồn là nhiều người trẻ đã hấp thụ niềm tin đó quá sớm, đến nỗi “thích thôi thì chưa đủ để làm.”

Khi “thích” không còn là lý do đủ
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay đã mất đi khả năng kết nối với chính mình. Từ nhỏ, chúng ta đã quen nghe những câu như:
- “Làm cái đó có ích gì không?”
- “Con nít biết gì mà thích?”
- “Lớn rồi thì phải thực tế.”
- “Làm cái này thật là phí phạm?”
Những câu nói tưởng chừng vô hại ấy lại âm thầm cấy vào bên trong chúng ta một niềm tin rằng: mình không được phép thích một điều gì đó chỉ vì thích. Và thế là, thay vì học cách lắng nghe trái tim, chúng ta học cách phân tích, đo lường, hợp lý hóa mọi điều mình làm. Trái tim trở nên yếu ớt, trong khi cái đầu thì ngày càng ồn ào. Đúng sai thì quan trọng hơn là niềm vui, được mất thì đáng giá hơn là trải nghiệm.
Chưa kể đến ảnh hưởng từ mạng xã hội – nơi mọi người chỉ chia sẻ thành công, những con số, hình ảnh đẹp nhất của cuộc đời họ. Bạn trẻ nào cũng bị cuốn vào vòng xoáy so sánh: “Mình đã làm được gì? Việc này có giá trị không? Có đáng post không?” Động cơ ban đầu chỉ là muốn làm điều mình thích, nhưng chỉ một vòng lướt mạng đã khiến bạn đặt lại câu hỏi: “Có nên làm không? Có ai quan tâm không? Có kết quả gì không?”. Người ta như lạc vào mê cung của những lời khuyên, của những sự chỉ bảo về “sự thành công” mà quên mất thành công có hình hài rất khác nhau đối với mỗi người, và đôi khi thành công chỉ đơn giản là sống một cuộc đời đáng sống.
Thiếu trải nghiệm thực tế, sống trong “bản đồ” chứ không phải “vùng đất”
Khi một người không có đủ trải nghiệm thực tế, họ sẽ sống hoàn toàn trong đầu mình – với những ý niệm về đúng/sai, phải/trái, thành công/thất bại do người khác vẽ ra. Điều đó khiến họ dễ bị tê liệt trong việc ra quyết định. Họ cần một ai đó khác nói rằng “Làm điều này là đúng, em sẽ không phí thời gian.” Họ cần ai đó xác nhận là họ ổn, quyết định này không tệ, và những gì trái tim mách bảo là thật.
Nhưng không ai ngoài bạn có thể trả lời điều đó. Không ai biết điều gì là “đúng” cho cuộc đời bạn, nếu bạn không bước đi, không thử sai, không dám làm điều khiến tim mình rung động. Đôi khi bạn cần dừng lại một chút và định nghĩa lại về chữ “Đúng”, một quyết định nào đó có thể đúng với ba mẹ bạn, vợ chồng bạn, người yêu bạn, nhưng còn bạn thì sao? Có đúng với bạn không?
Đọc thêm bài viết: Như thế nào là một sự lựa chọn đúng
Một bạn khác hỏi mình: “Em muốn viết blog về những trải nghiệm nhỏ trong cuộc sống, nhưng em sợ nó không giúp ích gì cho ai.” Và mình đã hỏi lại bạn: “Vậy bạn có thấy niềm vui khi viết không? Bạn có thấy mình kết nối hơn với bản thân khi làm điều đó không?”
Nếu câu trả lời là có, thì bạn đã đang giúp một người rất quan trọng rồi: chính mình. Và khi bạn sống thật với mình, bạn có thể sẽ chạm đến ai đó khác – một cách tự nhiên, không gượng ép. Tại sao làm điều gì đó mang lại niềm vui, hạnh phúc, cảm giác tự do cho bản thân lại là một thứ đáng sợ và nhiều đắn đo đến vậy?
3 năm trước, khi mình bắt đầu làm podcast, mình chỉ suy nghĩ đơn giản là mình muốn làm, và mình sẽ làm nó để tặng cho bản thân nhân dịp sinh nhật lần thứ 30. Mình không nghĩ điều gì lớn lao hơn thế, mình không muốn cứu giúp ai, mình không áp lực về số lượng nghe. Mình cứ thế làm từ từ, vậy mà cũng đã hơn 50 tập podcast được chia sẻ, cũng không biết là đã có bao nhiêu người nghe, mình vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu, mình làm vì mình thích và vì mình muốn mà thôi. Đôi khi, thành quả lớn nhất của một điều gì đó chính là bạn đã dũng cảm dám làm, dám bắt đầu, dám thử, dám sai, dám trải nghiệm vùng đất mới.
Link podcast của Naomi: https://open.spotify.com/show/6wrN2sPThKDJvwnyE3f7mK?si=e68d5da23ba74f02
Giao tiếp với trái tim hay với cái đầu?
Chúng ta được dạy cách suy nghĩ logic, cách tranh luận, cách phân tích. Nhưng ít ai dạy chúng ta cách giao tiếp với trái tim mình. Làm điều mình thích không cần phải được hợp lý hóa. Trái tim không nói ngôn ngữ “nên hay không”, “đúng hay sai”. Trái tim chỉ biết có rung động. Kết nối với trái tim, bạn sẽ có câu trả lời. Đáp lại lời dẫn của trái tim, bạn sẽ tìm ra con đường. Mà thậm chí, không có con đường nào rõ ràng cũng chẳng sao hết.
Và sự thật là, rất nhiều điều vĩ đại trên thế giới bắt đầu bằng những sở thích không được ai ủng hộ. Có người bắt đầu vẽ khi thất tình. Có người viết sách vì không tìm được ai để chia sẻ. Có người làm thơ khi đang trầm cảm. Không ai biết điều đó sẽ dẫn họ đi đến đâu. Nhưng họ đã đi, vì họ tin vào cảm xúc của mình. Họ muốn làm điều đó vì chính họ mà thôi.
Ít nhất, khi lựa chọn lắng nghe trái tim và làm những điều mình thực sự thích, chúng ta sẽ không thấy hối hận, thấy phí phạm. Ít nhất chúng ta đã tận hưởng, đã được sống, đã hạnh phúc trong những phút giây đó. Chẳng phải đây mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này hay sao? Là được sống, được hạnh phúc, được làm điều mình yêu, được ở bên cạnh người mình thương.
Mình chưa biết lựa chọn hạnh phúc có phải là sai không, nhưng lựa chọn điều mà ta “nên làm/phải làm” thường ít khi thực sự mang lại hạnh phúc hay những phút giây ngọt ngào, thế thì “cái kết có hậu” mà ta mong muốn thực sự là gì?
Mình thấy bản thân thực sự may mắn, vì đến thời điểm hiện tại, mình không hề hối hận về những điều mình đã làm, vì mình đã thực sự lựa chọn những điều mình thích, và mọi khởi đầu chỉ đơn giản là vì thích mà thôi.
Hãy sống cuộc đời mình bằng cách bắt đầu từ một việc nhỏ mà mình thật sự thích
Nếu bạn đang hoang mang giữa đúng và sai, hãy thử đặt lại câu hỏi:
- Việc này có khiến tim mình vui không?
- Mình có cảm thấy mình đang “sống” hơn, kết nối hơn với bản thân khi làm nó không?
Nếu có, thì đó là đúng, ít nhất là với bạn – và điều đó là đủ.
Làm điều mình thích không phải là sự nuông chiều bản thân. Đó là cách bạn quay về bên trong để lắng nghe – một hành động đầy dũng cảm giữa thế giới ồn ào này. Và đôi khi, bạn không cần ai khác cho phép điều đó. Bạn chỉ cần tự cho mình sự cho phép ấy.
Hãy bắt đầu bằng một bước nhỏ. Viết một dòng chữ. Vẽ một hình nguệch ngoạc. Ghi âm một bản nhạc. Làm một video không ai xem. Vì điều quan trọng không phải là người khác thấy gì, mà là bạn có thấy chính mình không. Nếu trái tim bạn reo vui, năng lượng bạn rộn ràng, hạnh phúc bạn lan toả, và bạn thấy đủ đầy hơn, thấy được sống hơn, thì còn chần chờ gì mà chưa thử?